BẢY THANH HUNG GIẢN
Tác giả: Vĩ Ngư
Thể loại: Hiện đại, huyền huyễn, trinh thám
Tình trạng: Đang dịch.
Link đọc https://truyen5zz.com/danh-sach/truyen-de-cu
? Giới thiệu tóm tắt quyển 1: Con rối dây câu
Ai cũng nói, giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời, vậy mà La Nhận không hề thấy thế.
Chỉ trong một thời gian rất ngắn, người chú vốn uyên bác điềm tĩnh của anh bỗng nhiên biến thành sát thủ máu lạnh, giết người trong chớp mắt rồi tự sát, để lại cô con gái vì chứng kiến hành vi của mình mà đã phát điên.
Hai năm ròng rã điều tra, anh mới phát hiện ra, chú mình không phải là trường hợp duy nhất, và các thủ phạm đều chết một cách kỳ dị không ai lý giải nổi.
Nếu cả đời La Nhận chỉ có thể làm một chuyện, thì đó là làm rõ chuyện này.
? Giới thiệu tóm tắt Quyển 2: Tiên nhân chỉ lối
Thôn Ngũ Châu ở Hợp Phố vốn nghề săn ngọc trai. Một năm kia, không thể nào tìm thấy trai dưới lòng biển nữa, cả thôn lục tục kéo nhau rời Ngũ Châu, duy chỉ có ông trưởng thôn là không cam lòng, chở một thuyền đầy bài vị ra giữa biển rồi chìm vào đáy biển sâu.
Tiểu Tam Tam, cậu bé bị đuổi đi khỏi thôn sớm nhất, cũng là cậu bé trở về Ngũ Châu đầu tiên. Tiên nhân chỉ lối cho cậu về lại Ngũ Châu. Trăng trên đầu vẫn tròn như thế, chỉ là cảnh còn người mất, Hợp Phố phát hiện ra hạt ngọc trai lớn nhất, nhưng có những người mãi nằm dưới đáy biển kia rồi.
? Giới thiệu tóm tắt Quyển 3: Hổ phách màu son
Mấy ai trên đời vượt qua được chữ “tham”? Ông nội của Viêm Hồng Sa, vì đánh dấu một cái giếng có bảo khí mà trên tay nhuốm máu một mạng người.
Tuổi cao, sức yếu, muốn hốt cú chót trước khi giải nghệ nên cùng cháu gái tìm lại chốn xưa với hy vọng đào được đá quý. Đá quý không thấy, lại chỉ gặp được búp bê cầu nắng và hổ phách màu son.
Ở đời, đã vay là phải trả, chỉ là trả sớm hay trả muộn mà thôi.
? Giới thiệu tóm tắt Quyển 4: Gió cuốn cát bụi
Vũ khí sắc bén nhất mà con người có là gì? Chính là “miệng lưỡi”. Miệng lưỡi có thể đổi trắng thay đen, có thể làm người ta hạnh phúc như ở trên mây, cũng có thể làm người ta tan nhà nát cửa.
Đi tìm thân phận của mình, Mộc Đại lập tức bị vận rủi quấn thân. Mọi manh mối đều chỉ về một hang động đen ngòm với cuồng phong và tiếng tim đập thình thịch.
20 năm, chuyện xưa đã phủ bụi, nào ngờ một trận gió cuốn, lại lộ ra dưới ánh sáng ban ngày.
Đây lẽ nào là thanh hung giản thứ 4?
? Giới thiệu tóm tắt Quyển 5: Mưa giăng mộ Tần
Ngày Lão Tử phong ấn 7 thanh hung giản, quan địa phương Doãn Hỉ lúc đó có hỏi ngài: Nếu một ngày lồng Phượng Hoàng Loan bị phá thì sẽ thế nào?
Lão Tử trả lời: Người không thể phá được.
Nhưng rồi Lão Tử và Doãn đại nhân cũng đã thiết kế nên Bát quái tinh đài, phân phó hậu nhân mỗi đêm đều phải xem tinh tượng trong Bát quái. Nếu nó không có ánh sáng, hãy còn là điềm tốt.
Vạn nhất có 7 ngôi sao, và đều đồng loạt sáng lên như chòm Bắc Đẩu, vậy vận đen đến rồi.
Doãn Hỉ đại nhân lại hỏi: Nếu 7 ngôi sao đều sáng, nên làm cái gì?
Lão Tử trầm ngâm thật lâu sau rồi trả lời: “Cự tử khả kỳ”
Nhà Tần năm đó, đốt sách chôn nho, mộ Tần bây giờ, mưa giăng kín lối.
Là ai, đã đưa họ đến Mộ Tần?
? Giới thiệu tóm tắt Quyển 6: Bóng săn tiếng báo
Vốn dĩ, ai cũng cho rằng, hung giản tuy động nhưng “bất động”, sẽ ở yên tại chỗ tác quái và chờ họ đến.
Nhưng lần này không phải thế, hoạ lớn tới cửa rồi.
Là một lính đánh thuê đào tẩu, ngỡ rằng mọi sự đã ngủ yên trên Mindanao, nhưng ân oán giang hồ cũng như tiểu thuyết chương hồi kéo dài không hết. Chuyện xưa tuy cũ, nhưng bụi không phủ mờ. Kẻ thù tuy cũ, nhưng ân oán không phải nói một câu là giải.
Cùng La Nhận vén bụi thời gian, bóng săn tiếng báo.
? Giới thiệu tóm tắt Quyển 7: Phượng Hoàng niết bàn
Trời có thất tinh, chính là sao Bắc Đẩu
Đất có thất căn, chính là 7 thanh hung giản
Người có thất tội, chính là nguồn cơn tội lỗi của loài người.
Hung giản tắm máu không biết bao người, cũng bao nhiêu lần bị phong ấn bởi máu của nhóm 5 người truy tìm hung giản.
Bao giờ thì Phượng Hoàng niết bàn?
—
? Bảy thanh hung giản là câu chuyện về bảy thẻ tre được Lão Tử dẫn từ 7 tội ác đầu tiên của loài người, rồi phong ấn bởi sức mạnh của Hoàng, Loan, Phượng và ngũ hành. Yên ổn được hơn 2000 năm thì “chúng nó” phá cũi sổ lồng gây hại cho đời. Độc giả sẽ theo chân La Nhận, Mộc Đại và đoàn đội của họ để đi tìm chân tướng sự việc và làm mọi cách để “hung giản” bị vô hiệu hóa.
Hung giản vốn đại diện cho cái xấu xa, tội ác, lồng Phượng Hoàng Loan vốn tượng trưng cho chính nghĩa, nhưng theo thời gian, liệu thế gian này có phải chỉ còn hai màu đen – trắng hay không? Liệu cái thiện có thể biến tướng, trở nên xấu xa và cái xấu có thể trở nên thiện lành?
7 thanh hung giản khi xuất thế đều không còn là 7 thẻ tre nguyên bản, chúng đã chọn cho mình một hình thái tồn tại khác, khi là mảnh da người bám lên con người, khi bám lên con trai, khi là cục hổ phách…, mỗi lần theo chân La Nhận và đồng đội đi tìm kiếm và chiến đấu với hung giản đều là một lần tim nhảy bình bịch, tóc dựng đứng và nổi da gà.
? Hung giản đáng sợ không? Đáng sợ chứ, ai đó tự nhiên bị cắt phăng một cái chân trong khi mình chẳng hề biết gì, mở mắt ra đã thấy máu cháy lênh láng, sợ không? Xuống biển tìm trai lại bị trai kẹp chết, sợ không? Lên rừng tìm đá quý, bị treo ngược cành cây tới suýt chết, sợ không? Bị xe ô tô tông suýt chết, sợ không? Ngủ một đêm tỉnh dậy đã thấy mình có thêm tội danh giết người và vướng vòng lao lý, sợ không? … Sợ chứ, đến người đọc cũng hết hồn. Nhưng mà, cổ nhân cũng có nói: “một lần lạ, hai lần quen, đã vượt qua được một lần, ngoảnh đầu nhìn lại, cũng chỉ đến thế mà thôi”.
? Cuốn theo câu chuyện dài về hung giản là câu chuyện đời của các nhân vật, cái mà họ đối mặt, không chỉ là hung giản, mà còn là bí mật, là đau thương, là quá khứ… của mỗi người. Lão Tử nói: “Thắng người là kẻ có sức, tự thắng là kẻ mạnh” phải chăng cũng đúng trong trường hợp này?
Khác với các tác phẩm khác, set up của Bảy thanh hung giản đã mang tính đoàn đội hữu duyên. Cũng khác với các tác phẩm khác khi chọn set up là “nữ chính”, Bảy thanh hung giản bắt đầu với xoay quanh câu chuyện của nam chính, dù ban đầu, có vẻ như anh mang đầy bóng dáng của một kẻ qua đường.
? Đoàn đội ô hợp của họ, đúng như tên gọi cái bar “Tụ tán tuỳ duyên” nơi Mộc Đại làm cô chủ nhỏ. Một anh chàng đẹp trai mặt lạnh và nguy hiểm La Nhận, một cô nàng cừu non Mộc Đại võ công giỏi nhưng thiếu cả kinh nghiệm lẫn trải nghiệm, một tay móc túi điêu luyện bị ép giải nghệ Tào Mập, một anh phục vụ quán bar tham tiền đã dính phốt lừa đảo Tiểu Tam Tam, nhìn sao cũng thấy khập khiễng, thế mà vô tình lại cùng nhau giải quyết được bề nổi của một vụ án kéo dài 22 năm, tưởng chừng ứng với câu “mèo mù bắt cá rán”.
? Bạn sẽ gặp (lại) Thần Côn với chức vụ “cố vấn kỹ thuật” cho cả đội, Thần Côn tiên sinh trong ngưỡng mộ của Mộc Đại lại tềnh toàng như một kẻ lang thang, tay xách một bao tải hành lý hùng hổ đi vào quán ngày khai trương khiến các chủ nhân méo mặt tính cho tiền lẻ để ổng “biến”. Bạn sẽ gặp một Tào Mập “lừng danh” chốn giang hồ, kiếm sống bằng nghề móc túi, khi giả làm “đại ca xã hội đen” đã mua miếng dán hình xăm về để doạ người, té ra ổng “miệng cọp gan thỏ”, còn không bằng một gã lừa đảo có nghề như Tiểu Tam Tam. Một Tiểu Tam Tam tham vọng chẳng hề tự hài lòng với hiện tại, khi giảng đạo lý giang hồ: “Giang hồ ấy à, cảnh giới cao nhất là như nước chảy, gặp mạnh thì luồn, gặp yếu thì quét”, chứ ai như La Nhận “cứng quá thì gãy thôi”. Một Viêm Hồng Sa tưởng chừng như mờ nhạt, nhưng giờ phút cần quyết định, luôn dũng cảm sáng suốt, một mình tả xung hữu đột để bảo vệ Mộc Đại đến cùng.
Không thể không nói, so với các nữ cường khác của Vĩ Ngư, Mộc Đại có phần “lành”, lành chứ không hiền, ấy là bởi lành nếu đủ trải nghiệm sẽ thành “dữ”. Một Mộc Đại lần đầu thực chiến, bị dí dao vào cổ thì sợ đến nước mắt rơi, một Mộc Đại thiện lương đến nỗi đánh nhau thì phải trừ cái huyệt vị nguy hiểm ra vì sợ người kia chẳng may bán thân bất toại, một Mộc Đại ngờ nghệch đang ở trạng thái “bích hổ du tường” đi theo dõi người khác thì bị hun khói như hun chuột mà cứ vậy chịu trận,… Mộc Đại của thuở đầu đúng là trang giấy trắng được bao bọc kỹ càng.
? Ấn tượng sâu sắc với độc giả hơn là La Nhận, bí ẩn, mạnh mẽ, lợi hại, có trí có mưu có dũng, có cả hung tàn, tựu chung lại là một “kẻ nguy hiểm” chính hiệu. La Nhận không chỉ nguy hiểm, quan trọng hơn là La Nhận có tình, và nặng tình.
Chính vì nặng tình, anh mới thuyết phục được Mộc Đại bằng câu nói: “Nếu đời tôi chỉ có thể làm một việc, thì đó là việc này”.
Một La Nhận có vẻ đen tối như bước ra từ bóng đêm lại có tình với một Mộc Đại như tờ giấy trắng, thứ tình cảm ấy, biết nói thế nào nhỉ, chưa đủ nồng nàn để trở thành đậm sâu, nhưng lại thừa sâu sắc để không nhạt nhoà như bọt nước. Khoảng cách giữa họ không phải là ngăn sông cách núi, khoảng cách giữa họ là làm sao để đặt những bí mật của mình vào tim nhau. Như La Nhận có lần tự lẩm bẩm: “Có đôi khi, mang theo trong mình bí mật thì có thể gần bên nhau, nói ra bỗng nhiên lại thấy khoảng cách càng thêm xa”. Những bí mật của Mộc Đại hay La Nhận đều như những củ hành tây, càng bóc càng cay mắt. Vậy hay là thôi đừng bóc nữa?
Thích một người là gì? La Nhận nói: “Thích hay không thích, là phản ứng bản năng, không cần đến đầu óc suy nghĩ”.
Thích một người là gì? Là khi Mộc Đại đứng trước câu hỏi của sư phụ: “Hắn có chỗ nào tốt?” thì suy nghĩ rồi cắn môi trả lời: “Cũng không có cái gì tốt cả, chẳng qua là … con thích hắn”
Thích một người là gì? Là khi La Nhận đứng trước câu hỏi của sư phụ Mộc Đại: “Mộc Đại nhà ta, có cái gì tốt?” thì nghẹn lời đáp: “Con không nghĩ được nàng có cái gì không tốt”.
? Bonus vài đoạn tình của đôi trẻ:
Người ta yêu nhau có đôi khi còn nề hà sống chết, còn La Nhận từng nói: “Nếu biết mình sẽ chết, chi bằng nhân lúc còn sống, liều mạng cùng anh yêu đương cho nhiệt tình đến khắc cốt ghi tâm, lúc đó, cho dẫu em còn sống hay sẽ chết đi, anh đều có em trong lòng, đời này mãi nhớ, mắc mớ chi ngồi xuân thương thu buồn”.
Ấy vậy mà khi Mộc Đại hỏi ngược lại: “nếu người biết mình sẽ chết là anh thì sao?” thì La Nhận lại nói: “anh sẽ nghĩ cách để chia tay với em, hoặc làm em hiểu rằng, anh không thích em, để em chẳng nuôi chút hy vọng nào về anh nữa”
– “Vì sao, vì sao lại không cùng em yêu đương sống chết để em nhớ mãi không quên?”
– “Bởi vì anh mong sẽ có ai đó chiếu cố em, không muốn em thương tâm suốt đời vì anh”.
– “Vì sao anh hay giảng đạo lý với em?”
– “Mộc Đại, anh là người từng trải, có chút kinh nghiệm, tuy không nói rằng tuyệt đối chính xác, nhưng với anh, nó hữu dụng, nên mới mang ra dạy em. Không chỉ là kinh nghiệm, cả đồ đạc của anh, lớn là kỹ năng sinh tồn, kỹ xảo phòng ngự, nhỏ là cách biến báo, mưu mẹo đầu cơ trục lợi đều hận không thể mang hết cho em dùng.
Vì nếu có một ngày, anh thân bất do kỷ mà rời khỏi em, nếu em có thể sử dụng kinh nghiệm mà đi giải quyết vấn đề, đi khắc phục khó khăn, anh sẽ cảm thấy như mình vẫn đang bên cạnh chiếu cố em”
Giống như, ngày mưa gió, ở cạnh có thể giúp em bung dù, che chở em, nếu lỡ như không còn có thể ở bên, em cũng có thể kiên cường mà sống tiếp, không vì thiếu vắng anh mà kinh hoảng nghẹn ngào.
(reviewer vừa edit vừa phóng tác, La Nhận ca ca xin đừng mắng mỏ)
—
? Một sáng tháng 4 đầy nắng và đầy hớn hở bỗng nhiên xẹp lép dự án đi chơi xa, mình ngồi bắt đầu với Bảy thanh hung giản của tác giả Vĩ Ngư qua bản dịch của Cụt. Mình từng tự hỏi tại sao mình thích Vĩ Ngư? Câu trả lời quanh quẩn trong đầu nhiều nhất vẫn là vì sức sáng tạo và vì nhân vật. Sáng tạo là bởi, Vĩ Ngư cho tác phẩm của mình một không gian đủ rộng, đặc biệt là thường khai phá các yếu tố linh dị, hoang đường. Với những sự kiện không giải thích được bằng khoa học thì luôn kích thích người đọc, cũng như không giới hạn rập khuôn sự sáng tạo của tác giả, vì chỉ cần đảm bảo logic của mạch truyện, đâu cần phải đem những sự kiện huyền bí đi soi rọi cho nó sáng lóa dưới ánh sáng của chủ nghĩa duy vật biện chứng đâu ?. Khi chọn cho mình lối sáng tác hiện thực kiêm huyền bí, Vĩ Ngư đã có sự nghiêm cẩn trong nghiên cứu, chọn lựa bối cảnh sáng tác để đảm bảo có sự nhất quán trong mạch truyện và những truyền thuyết dân gian, do đó cốt truyện có sự đầu tư và thuyết phục.
Còn về nhân vật, có thể nói là nhân vật của Vĩ Ngư đều độc đáo, họ có sở trường sở đoản, họ có mặt tốt và cả mặt xấu, thật như họ mang sức sống bước thẳng từ cuộc đời vào trang sách. Nhân vật của Vĩ Ngư được mình yêu mến còn bởi, tính phản biện của nhân vật rất cao, luôn lạc quan và cao thủ sát thủ phong cảnh với cách suy nghĩ không giống ai. Chưa kể các nhân vật từ chính đến phụ luôn có đủ đất để tung hoành, nhiều lúc bạn sẽ thấy họ có vẻ vô dụng, ấy thế mà khi cần lại rất đắc dụng, không một tình tiết nào bị vẽ rắn thêm chân. Bạn nghĩ xem, cốt truyện mặn, nhân vật mặn, tác giả dĩ nhiên phải là thùng muối, vì thế, những câu chuyện của Vĩ Ngư không hề nhạt, chỉ là bạn có hợp gu với nó hay không mà thôi. Được rồi, thật ra thì, Ngư tổng cũng chẳng phải thần thánh gì mà không có nhược điểm, Ngư tổng ấy à, bả viết không ra cái “tình” mà chúng con dân giới ngôn luôn thèm “cơm có thịt”, tình yêu của Ngư tổng chắc chỉ nên ép plastic để treo, hầu như mấy cuốn mình đọc đều cùng lắm thì nắm tay với “mổ cò” được vài phát vào môi, rồi chìm sâu vào trí tưởng tượng thần thánh của độc giả.
? Bản dịch của Cụt không phải là bản dịch đầu tiên của Bảy thanh hung giản mà mình biết, nhưng mình có sự mến yêu không hề nhẹ với dịch giả. Như mình từng nói, yêu mến không phải vì Cụt chuyển ngữ thuần Việt, mà bởi vì cảm giác ở bản dịch có sự tôn trọng tối đa nguyên tác. Nhiều bản chuyển ngữ có thể rất phiêu, rất mượt, nhưng đó không phải là cảm giác mang lại từ nguyên tác, ở bản dịch của Cụt mà mình tiếp xúc, văn phong Vĩ Ngư có cái tưng tửng của giọng văn, có cái hời hợt của nhân vật, có cái sâu sắc trải nghiệm, cũng có cái bông đùa ngầu đời, do đó, dẫu bản dịch chưa hoàn, nhưng mình tin là với sự “thúc đít” không ngừng nghỉ của độc giả, dịch giả nhà ta sẽ sớm đóng dấu “finish” đối với tác phẩm này.
Tiến độ bản dịch hiện tại đã hoàn quyển 2 Tiên nhân chỉ lối, hoan nghênh các bạn nhảy hố.