KHÔNG THẸN VỚI LÒNG
Tác giả: Phong Lưu Thư Ngốc
Thể loại: Cổ đại, trùng sinh, báo thù, sủng ngọt
Tình trạng: Đang edit
? Đây là một câu chuyện không quá xuất sắc, không có tình cảm oanh oanh liệt liệt, không những màn trả thù cao trào đến mức nghẹt thở, không quán triệt tuyệt đối quan niệm hay tư tưởng tiến bộ, mà là một sự bình thản, nhẹ nhàng, mang hơi hướm cổ phong cũ kĩ, lại chạm khắc đan xen những màu sắc hiện đại, là một nét chấm phá đặc sắc trong ngòi bút của Phong Lưu Thư Ngốc.
Truyện lấy bối cảnh thời Xuân Thu, Chiến Quốc, thời đại mà Nho gia và Pháp gia được cho là phát triển cực thịnh, đồng thời cũng mâu thuẫn đỉnh điểm, một người phụ nữ bị chồng bỏ phải lựa chọn hoặc là chết hoặc xuống tóc xuất gia, một vị hoàng đế “vừa lập nghiệp” với bao trắc trở vì chọn nhầm hướng đi, một vị học giả vì không gặp thời mà chết dần chết mòn trong mộng tưởng, một đứa trẻ không mẹ không cha chết vì chiến loạn ven đường…
Quan lão gia và Quan phụ vốn là những vị thầy Nho lỗi lạc tài năng, nhưng kiếp trước vô tình bị kẻ ác lợi dụng, đánh mất cơ hội vào triều làm quan, Quan Tố Y gả cho vị Trấn Bắc hầu thất thế Triệu Lưu Ly làm vợ kế, trên có mẹ chồng bất công cần hầu hạ, dưới có con riêng xảo trá, ngu si cần giáo dưỡng, lại sống với người chồng hờ hững lạnh nhạt chỉ nhớ về vợ trước đã qua đời. Nhưng nàng không oán không hối, vì nàng cho rằng chính Triệu gia đã bảo bọc Quan gia, chính Triệu Lục Ly đã cứu vớt gia đình nàng khỏi hoạ diệt môn, nên nàng nhẫn nhịn hầu hạ mẹ già, đào tâm đào phổi giáo dưỡng kế tử kế nữ, tận tuỵ chu đáo hầu hạ người chồng lãnh đạm vô tình. Kết quả nhận lại là bị vu oan thân bại danh liệt, tiểu thiếp hãm hại, bị sống cô độc đến chết trong sự khổ sở của người thân.
“Chỉ nguyện lên trời xuống đất, kiếp này kiếp sau, vĩnh viễn không cần gặp lại”.
? Kiếp này trọng sinh trở về, Quan Tố Y không hi vọng sẽ xoay chuyển thế cục, tạo thời lập thế, nàng chỉ cần an an ổn ổn, tránh xa Triệu gia, bảo hộ ông và cha, lấy chồng sinh con yên ổn cả đời. Nhưng đâu đoán trước được chữ ngờ, cơ duyên xảo hợp Quan Tố Y lại lọt vào mắt xanh của Hoắc Thánh Triết – Thánh Nguyên Đế, tài năng của Quan lão gia và Quan phụ cũng được bộc lộ, được thỉnh vào triều và trở thành Đế Sư (thầy của vua).
Định mệnh trêu ngươi, một đạo thánh chỉ tứ hôn, Quan Tố Y lại phải gả cho Triệu Lục Ly, nhưng có ký ức kiếp trước, thêm gia thế cách biệt của đời này, nàng trở nên hờ hững và lạnh nhạt hơn. Mọi việc nếu đã do ông trời sắp đặt, nếu Triệu gia đã muốn kéo nàng xuống vũng bùn ghê tởm đó, thì hãy để nàng đào sẵn một chiếc hố, cùng bọn họ ổn thoả chơi đùa.
Quan Tố Y của kiếp này không mềm mại nhẫn nhịn, mà ương nghạnh thanh cao, tự do tự tại, nàng dùng sự thông minh, tài năng để đặt bước chân cứng rắn tại Triệu Gia. Kiếp này nàng không bị thân thế hèn kém chi phối, không bị “ân tình” che mắt, nàng nhận rõ gương mặt thật của từng người, cũng dùng sự sắc sảo, tài hoa của bản thân để “điều giáo” những kẻ có ý định giẫm đạp lên mình. Một Triệu Thừa Dư lưu manh ngu ngốc mà kiếp trước nàng dốc lòng dạy dỗ, một Triệu Thuần Hi nham hiểm xảo trá mà nàng từng đào tâm đào phổi giáo dục thành tài, một Triệu Lục Ly yếu đuối vô năng, mắt mù lòng hẹp cam tâm tình nguyện đội nón xanh (bị vợ phản bội) luôn hướng về ả vợ-đã-chết ở trong cung, một Diệp Trăn mưu mô vụ lợi vứt bỏ chồng con chạy theo giấc mộng vinh hoa, tự nhốt mình vào cung cấm làm phi tần cho hoàng đế, một Từ Quảng Chí xảo trá tự tư tự lợi, tàn nhẫn gian ngoan hết lần này đến lần khác chèn ép Quan gia vào tuyệt lộ. Nàng hận họ, nhưng nàng không để hận thù che mắt, không để quá khứ tướt đoạt lương tri của mình, nàng dùng sự lỗi lạc, tí tuệ, những mưu kế quang minh chính đại, những lập luận sắc bén từng bước đòi lại những thứ mà họ nợ nàng, và đáp trả đầy đủ những thứ họ đáng nên nhận được.
? Những chương đầu có thể cảm giác nữ chính hơi bạch liên hoa khi dễ dàng buông tay theo số phận lấy Triệu Lục Ly, nhưng xuất thân là một nữ tử phong kiến, chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo, bản thân Tố Y cũng chưa từng có ý định hoà ly, nàng chỉ cần yên ổn và bảo vệ danh dự gia tộc, người không phạm ta – ta không phạm người, nàng thẳng thắng, cương trực và lương thiện, một điều hiếm thấy ở những nữ chính trọng sinh báo thù từng xuất hiện trước đó.
Trong bối cảnh đất nước còn loạn lạc, không phải ở chiến tranh, mà loạn tại lòng người, một vị hoàng đế vừa “nhậm chức” với những lo toan, những khởi đầu, là lúc mà những quan điểm về trị quốc, về giá trị con người gần như được đặt lên bàn chính trị để thảo luận cùng với trị hạn trị thuỷ, thì Hoắc Thánh Triết – một người mang dòng máu Cửu Lê Tộc với tính cách hào phóng, bá đạo, thậm chí do hoàn cảnh trưởng thành lại ngấm sâu trong cơ thể là sự hoang dã của loài sói, đã lên xưng đế một đất nước hơn hai phần ba là tộc người Hán, lấy hiệu là Thánh Nguyên Đế.
Thánh Nguyên Đế không phải là một chính nhân quân tử, không mang bề ngoài ngọc thụ lâm phong, chàng là do mẫu thân đánh đổi tính mạng, tự rạch bụng cứu ra, là uống máu người mà sống, là giành ăn với bầy sói mà lớn, là do thú rừng hoang dã dạy cách sinh tồn.
Hoắc Thánh Triết mang vẻ ngoài cao to, hùng vĩ của đàn ông Cửu Lê Tộc, tính cách hỉ nộ vô thường, thâm trầm âm độc, tàn nhẫn như Tu La trong truyền thuyết. Tương truyền rằng Thánh Nguyên Đế là ác quỷ tái sinh, hắn không thể thân cận ai, cũng không thể sinh con đẻ cái, hắn cô độc và khát máu, nhưng tận sâu đằng sau vẻ ngoài tàn bạo đó là khát khao về tình thân, là nỗi đau đáu về xuất thân, về tình mẹ khi chỉ vì một bức ảnh xuyên tạc, chỉ câu chuyện ác ý lại dễ dàng rơi vào tâm ma trước cái chết của người sinh ra mình, là ý chí vươn lên để được sống, được khẳng định khi xông pha ra chiến trận, đổ máu và nước mắt để đổi lấy địa vị cửu ngủ chí tôn, là tấm lòng yêu quốc thương dân, ham học hỏi khi bất chấp xuất thân là một “thất phu” Cửu Lê tộc, lại kiên nhẫn xem từng quyển sách tiếng Hán, lắng nghe từng lời khuyên can, giảng dạy của Đế Sư, là sự thẳng thắng bộc trực, bá đạo nhưng đáng yêu, khi xác định tình cảm với Quan Tố Y, khi duy hộ nàng, sủng ái nàng, ngốc nghếch những lúc bị nàng trêu chọc. Là tinh thần trách nhiệm, chịu ân báo ân chịu oán báo oán, khi biết Diệp Trăn là kẻ ích kỷ vụ lợi, trong ngoài bất nhất nhưng vẫn thủ vững lời hứa bảo hộ ả bình an cả đời.
? Cơ duyên xảo hợp vị Thánh Nguyên Đế tàn nhẫn vô tình gặp gỡ và trở thành bằng hữu của phu nhân Hầu phủ Quan Tố Y, để rồi chính sự hào sảng, thông minh, chính vẻ ngoài xinh đẹp cùng tính cách tươi sáng, chính sự thấu hiểu thời cục, ánh mắt sắc bén, tấm lòng yêu người, yêu sách, trượng nghĩa mà ôn nhu đã từ lúc nào rọi sáng vào trái tim u ám của Hoắc Thánh Triết. Đồng thời cũng mở ra những bí mật năm xưa bị thời gian vùi lấp, những mạch nước ngầm luân chuyển về vận mệnh quốc gia dưới vẻ ngoài con chữ quyển sách, và sự hối tiếc đứt gan đứt ruột của tên “hôn quân ngu xuẩn” bị “sắc” che mờ lý trí tứ hôn bậy bạ, để bây giờ vì hối hận mà phải cụp đuôi làm người, “phục thấp làm thiếp” chịu đựng sự “ngược đãi” cả trên tinh thần lẫn thể xác của nữ chính.
“Hoa lạc người đi tâm đã xa
Từ đây sơn thuỷ bất tương phùng”
Với Quan Tố Y, tình yêu không phải là tất cả. Nếu hỏi nàng có yêu Thánh Nguyên Đế hay không? Câu trả lời là có. Nhưng lại hỏi nàng có nguyện hi sinh cho tình yêu hay không? Câu trả lời sẽ là không.
Tình yêu của Quan Tố Y không thuần khiết, cũng không vụ lợi. Nàng yêu vì ở bên cạnh hắn nàng vui vẻ, nàng có thể là chính mình, có thể bĩ khí, thô tục, có thể xảo trá, gian ngoan. Nhưng trong tình yêu đó lại có quá nhiều thứ để suy xét, nàng không muốn chỉ vì thứ tình cảm cá nhân mà đặt cược số phận cả gia tộc, bởi lẽ yêu là chuyện của hai người, một nam một nữ, một nhu một cương, nhưng khi đã bước chân qua bức tường hoa lệ kia, nàng sẽ là người phụ nữ của cung cấm, ông và cha sẽ là những thân thích bên ngoại dễ dàng nghi kị, nàng và hắn có thể hôm nay là chòing là vợ, hôm sau chỉ còn lại trách nhiệm quân thần. Nàng không muốn vì chút ít giải thoát thú vị mà đánh đổi tự do, tôn nghiêm của bản thân, nàng đã bước ra khỏi một Triệu gia u ám lộn xộn, nàng chỉ cầu an yên, chỉ cầu thanh thản, hà cớ gì phải buộc bản thân vào chiếc cộc đế vương cùng hàng trăm người đàn bà khác.
Ở Quan Tố Y người xem sẽ cảm thấy một sự mâu thuẫn, đôi lúc ích kỷ tầm thường, đôi khi háo thắng nhiệt huyết, có lúc lại thâm trầm tàn nhẫn. Người xem sẽ chứng kiến một Quan Tố Y lớn lên từng ngày, không phải là sự hờ hững lạnh nhạt vì trọng sinh, không phải là ánh mắt thông thấu thói đời vì từng trải qua cay đắng, mà là sự nhận ra, sự trải nghiệm. Một Quan Tố Y bề ngoài thanh cao thoát tục, nhưng bên trong lại hiếu thắng cố chấp, một Quan Tố Y hiền hậu đoan trang, nhưng ẩn dấu tính cách hiệp nghĩa tung hoành, một Quan Tố Y thiện lương chu toàn, nhưng kiên quyết cương trực, chưa bao giờ để bản thân phải ngậm bồ hòn vì đại cục, nàng có thể im lặng, nhưng nàng sẽ đáp trả, mạnh bạo hơn, ác độc hơn, và đáng yêu hơn.
Nữ chính yêu, nhưng lại không dám yêu, nàng sợ sự thay đổi, cũng sợ trả giá, thật sự ban đầu mình cảm giác nữ chính khá “hèn”, nhưng rồi cũng hiểu rõ nàng chỉ là yêu chưa đủ. Chưa đủ nồng nàn, chẳng đủ hi sinh, thiếu lòng tin và bảo đảm. Thậm chí đến cuối khi nàng đồng ý vào cung , làm hoàng hậu của Thánh Nguyên Đế, vẫn có cảm giác không phải nàng đang bước vào hôn nhân với tình yêu nồng cháy, mà chuẩn bị nhận một chức vụ đầy thử thách, nơi có người nàng yêu thích, có vị trí nàng mong muốn, và có cơ hội cho nàng phát triển. Nếu dùng một từ để hình dung, thì đó chính là “lý trí”.
Nếu cả mạch truyện “ma tuý” độc giả rằng nữ chính là người nắm đầu dây điều khiển mọi cảm xúc của mối quan hệ, thì đến cuối cùng sự chiêm nghiệm lại khiến bản thân mình phải bật cười, vì sao? vì thật ra kẻ dệt bẫy lại là nam chính, và Quan Tố Y mới chính là con mồi.
Nàng khép kín, rụt rè, hắn dùng thân phận kẻ hầu hiếu học, ngây ngô để tìm kiếm sự đồng cảm, vậy là họ thành bằng hữu.
Nàng lạnh nhạt vô tình, hắn sẽ mặt dày vô sỉ, hoàn thành xuất sắc tục ngữ “liệt nữ sợ triền lang”, vậy là nàng vừa tức giận vừa bất đắc dĩ, làm sao được với một đế vương suốt ngày có thể rảnh rỗi dạy sáo lặp đi lặp lại “Phu nhân gả cho trẫm” rồi thả sang phòng nàng.
Nàng hành động kinh hãi thế tục, quyết đoán tàn nhẫn, hắn sẵn sàng dùng quá khứ kinh khủng từng là tâm ma hành hạ mình đắp lên tượng đài giúp nàng cản gió, để lê dân bá tánh biết rằng tấm lòng của người mẹ là lớn nhất, là đại dương mênh mông, là thiêng liêng vô bờ bến, và Quan tiểu thư là người phụ nữ bản lĩnh tài hoa.
Nàng bị luân thương đạo lý quấn chặt, bị thế nhân dè bĩu khinh thường, hắn tỉ mỉ sắp xếp lên đại cục, cạm bẫy cả thiên hạ để tất cả cam tâm tình nguyện nâng nàng thành mẫu nghi.
Nàng vì quyền lực trầm mình vào hậu cung, nhưng lại muốn có cuộc sống giản đơn bình dị, hắn hoá thân thành vị hôn quân hỉ nộ vô thường, chán ghét nữ sắc, chỉ vì đại cục nên thân cận hoàng hậu, mà nàng – người phụ nữ rộng lượng – đáng kính nhất giang sơn kia, đang ngày ngày phải “chịu đựng” Thánh Nguyên Đế cuồng bạo lôi đình, tất cả nguỵ trang cho việc nàng “tiêu phòng độc sủng”.
? Truyện mang dấu ấn rõ nét của Phong Lưu Thư Ngốc, các nhân vật được khắc hoạ uyên bác, lỗi lạc, ngòi bút lãng mạn nhưng không quá ngọt ngấy, những âm mưu hoặc cạm bẫy đều hợp lý đến mức khiến người xem thấm thía cái gọi là lưỡi không xương nhiều đường lắc léo, khả năng hùng biện của nữ chính tuyệt vời, đôi lúc có cảm giác như nàng đang đổi trắng thay đen, nhưng ngẫm lại cứ thấy logic đến mức chẳng biết phản biện từ chỗ nào. Đây cũng là điều mình thích nhất ở ngòi bút của tác giả. Có nhiều cách để báo thù, để ngược tra, nhưng cách mà Quan Tố Y tát họ một cái, không khiến họ thù hận mà lại khiến họ mang ơn, chỉ vì cái miệng “đáng giận” của nàng, thật sự khiến mình vừa phấn khích vừa thoả mãn.
? Văn phong khá mượt, các tình tiết đan chéo vào nhau hợp lý đến bất ngờ, nhưng những lý giải hoặc đối thoại về Nho giáo – Pháp giáo còn khá dài dòng, phức tạp, truyện lồng nhiều thuật ngữ Hán Văn, điển tích, trích dẫn trong Tứ thư ngũ kinh, Nho giáo, Pháp gia… nếu chưa từng nghiên cứu về lĩnh vực này thì sẽ dễ khiến người xem chán nản. Nữ chính kiên định, nam chính chung tình, hai vị Quan lão gia và Quan phụ lỗi lạc tài hoa, bề ngoài cứng nhắc cổ hủ nhưng bên trong phúc hắc và khôn khéo, Triệu Lưu Ly nhu nhược để tình cảm chi phối, đến khi giật mình quay đầu thì mọi thứ đã quá muộn màng. Diệp Trăn tư lợi ích kỷ, Trưởng công chúa hào hiệp phóng khoáng, không bị trói buộc bởi lễ tiết phong kiến,… mọi nhân vật, chi tiết xuất hiện hài hoà đến mức phụ trợ vuông tròn cho cả câu chuyện.
Đánh giá 9/10.
Link đọc truyện mới nhất