CON ĐƯỜNG ĐẾN BÊN EM
Tác giả: Giải Tổng
Thể loại: Hiện đại, ngược, HE.
Tình trạng: Hoàn edit
Review bởi: Cua Đá
Chỉnh ảnh: JX
—-
? Văn án: Một cuộc gặp gỡ trên đường, cuối cùng Du Tùng cũng tìm được cô.
Đây là một hành trình thu hút lẫn nhau và theo đuổi, tìm kiếm và giúp đỡ, yêu hận đan xen.
Chú ý: Cẩn thận khi nhảy hố, nam nữ chính thô bạo, đều rất kiên cường, câu chuyện về du lịch.
—-
? Người ta nói “đi đêm lắm có ngày gặp ma”, tui thì phải modify đôi chút, “đọc truyện lắm có ngày gặp ngược”, haizz, nhất là kiểu ngược chết không báo trước, ngược đến cả phút bù giờ như “Con đường đến bên em”. Hầy dà, cái này là bệnh cả tin nè, cái tựa “Con đường đến bên em” đọc lên đã thấy happy ending báo trước rồi (nếu không HE thì hẳn tên truyện phải là “Ngõ cụt đến bên em”, “Hẻm vắng đến bên em”, “Vực sâu đến bên em”…. ), tui tin vào trực giác của tui nên tui nhào vào hố dù chưa có cái review nào liên quan tới nó, kết quả là, nó không phải là “Con đường đến bên em” đâu quý dzị, nó là “Con đường định mệnh” đó, không phải cái thể loại “có cái nắng có cái gió có nỗi nhớ không mang tên người ơi” đâu, nó là “có chú chó có máu chó có đau thương người ơi” [nhại theo bài nào đó hỏng nhớ tên] [à ờ thì, trực giác của tui đúng, kết HE nhá].
Các nàng có giống tui không, đôi khi, tui ngẫu nhiên liên tưởng những cuốn ngôn tình tui đọc đến màu sắc trên bảng màu, có nóng – có lạnh, có ấm – có mát, có sáng – có trầm…, những tác giả chắc tay là những người tạo được những mảng miếng ấn tượng, phối màu hợp lý, đẹp mắt, tất nhiên là tui thiên về tông sáng sủa [ế, đừng ai lộn sáng sủa và máu chó ngợp trời nghen], tuy nhiên với tui, bức tranh đẹp là bức tranh không có quá nhiều dấu vết sắp đặt. Hãy quan sát cách tự nhiên phối màu cho cả thế giới này mà xem, cái cây xù xì màu nâu với những chiếc lá màu xanh sẽ kèm những bông hoa vàng, hoa đỏ, hay những cái cây không có những nụ hoa rực rỡ sẽ có những màu lá, màu quả rất xinh như cây bàng, như cây lộc vừng…, tự nhiên luôn là thế, luôn làm mọi thứ hài hoà một cách gần gũi nhất. Đoán xem, đọc “Con đường đến bên em”, tui nghĩ đến màu gì? Tui nghĩ đến bức tranh một biệt thự màu xám [vì sao có biệt thự à, vì đá tui ném chắc đủ xây biệt thự đó].
? Năm Tưởng Tân Tả 7 tuổi, có một sự cố đã xảy ra. Cô bị bọn buôn người bắt cóc, anh trai hàng xóm lúc đó, khi phải lựa chọn cứu một trong hai cô bé, đã quyết định cứu cô bé kia đi.
Năm Du Tùng 16 tuổi, vì mải chơi, cậu để lạc 2 cô bé hàng xóm, đến khi cậu lọt vào giữa hang ổ tội phạm, một lần cá cược, cậu thắng và chỉ được mang theo một người rời khỏi đó, lúc ấy, cậu đã không do dự mà để lại Tưởng Tân Tả. Khi cậu đưa cảnh sát tới giải cứu Tưởng Tân Tả thì đã chẳng thấy bóng người. Cậu bỏ học, đến huyện Nghi – nơi có dấu vết cuối cùng của Tân Tả và tìm kiếm suốt 16 năm không ngừng nghỉ.
Một người, sẽ mang chấp niệm như thế nào để tìm kiếm không ngừng nghỉ suốt 16 năm trời? Đó là gánh nặng anh nghĩ anh phải trả, dù có người hỏi anh “nếu năm đó không phải là cô bé ấy thì sao?”, anh chỉ muốn “sống phải thấy người, chết phải thấy xác”, 16 năm, cái anh bỏ lỡ không chỉ là bằng cấp, không chỉ là trình độ, không chỉ là cơ hội, có lẽ còn có cả bao nhiêu chân tình. 16 năm đó, anh là người phụ trách tiền thuốc thang cho người cha mang bệnh ung thư của Tưởng Tân Tả, chăm sóc ông, đi tìm con gái cho ông dù bản thân người cha ấy, cũng chả hào hứng mấy về điều này.
Một người, sẽ mang oán trách như thế nào, để tiếp tục sống trong 16 năm ấy? Cô chỉ học hết cấp 2 rồi bỏ học, rồi tìm cách trả nợ đời, trả nợ người đã cứu cô. Tháng năm đó, với Tân Tả không quá dễ dàng, nhưng sau khi được giải cứu, cô được yêu thương được bù đắp, dù cô không nói rõ bằng lời, thì lần giải cứu đó cũng như một cuộc tái sinh.
Những tưởng rằng, khi họ gặp lại nhau, gánh nặng trong lòng Du Tùng sẽ nhẹ hẳn xuống, tảng đá anh mang sẽ được lấy đi, nhưng không, tảng đá đó nặng thêm rất nhiều, nặng thêm cả phần của Tân Tả chuyển sang cho anh. Còn Tân Tả thì sao, thật xin lỗi, cho tui bật mode ném đá cho đỡ bực bội.
Thật ra mà nói, tui đã từng hy vọng một cách triển khai khác, nam chính và nữ chính đều có vết thương lòng, họ đều cần chữa trị và tui mong chờ họ là thuốc chữa đặc hiệu cho nhau. Nhưng chữa trị bằng chấp niệm và xé toạc nhau ra rồi lại vá víu lại, thật cmn kích thích muốn mắng vốn tác giả.
Có tác giả nào để nữ chính vật lộn trong bể máu như Giải Tổng không? Một gia đình có bố mẹ và 2 đứa con, chỉ vì ham mê cờ bạc cá cược mà người mẹ suýt bị làm nhục, bà tự tử, ông bố đưa đứa con gái đi theo đến sòng bài, để đứa con trai ở nhà vì đói mà mở bình gas dẫn đến nổ khí gas rồi chết. Sau đó, nữ chính bị lạc và rơi vào tay bọn buôn người. Cô sống với anh nuôi và người bà nội, họ cứu cô, cưu mang cô, rồi cô và người anh nuôi có tình cảm với nhau. Họ bên nhau từ khi nghèo khó, bên nhau lúc anh ta là một hoạ sĩ có tài nhưng chưa có danh, và cua gấp ngay khi anh ta vì danh vì lợi mà đội nón xanh cho cô. Đời Tân Tả 2 lần bị vứt bỏ, 1 lần vì nam chính năm 7 tuổi, 1 lần vì nam phụ 16 năm sau đó, lần 1 là vô tình bởi một người chưa có tình với cô, lần 2 là bởi người cô yêu chính tay đưa cô vào sếp sòng của lũ buôn người. Tui đôi khi phải tự hỏi, không biết kiếp trước Tân Tả là con muỗi chăng? Thấy máu là cứ nhào vào không thương tiếc thế này cơ mà?
Nhưng trọng điểm không phải chỗ đó, ai xem bóng đá sẽ biết cảm giác của tui, bị đối phương đốn ngã, bị thời tiết chơi xấu cũng không thể tệ bằng tự ngã, thậm chí là tự ngã ăn vạ. Vì cái mớ cẩu huyết này, tui thậm chí còn mong Giải Tổng thổi còi kết thúc câu chuyện, để đỡ mang tiếng tui drop giữa chừng .
Vì sao lại có màn tự ngã ăn vạ ấy à, cú phản lưới nhà này phải đợi các độc giả cùng xem với tui mới thú vị nghen.
? Với tui mà nói, “Con đường đến bên em” không phải là một lựa chọn tốt để đề cử. Tình yêu của nữ chính làm tui không cảm thấy được sự rung động của “con tim” [ ờ, có sự rung động của “con tờ rym” thì khá rõ]. Nhưng cái sự rung động của con tờ rym không đủ tinh tế để tui không thấy phản cảm, khác xa với cái hoang dã của Bành Dã và Trình Ca, ở Du Tùng, tui chỉ có cảm giác phồn thực và nhục dục. Trong hàng ngàn cách để hai người xa lạ thành người yêu, tui vẫn ưng nhất kiểu “oan gia ngõ hẹp” trước ghét sau yêu. Nghe thì có vẻ lạ lùng, bản thân tui cũng từng có thời chết mê chết mệt Quỳnh Dao với những mối tình khắc cốt ghi tâm vì cái nhìn đầu tiên, nhưng rồi cùng với thời gian và trải nghiệm, tui nhận ra, yêu một người với hào quang lấp lánh và những cái đẹp thuở ban sơ dễ hơn rất nhiều với yêu một người với cái đẹp ẩn sâu trong lớp vỏ xấu xí xù xì mà ta từng ghét bỏ hay vì ngộ nhận mà ghét bỏ. Du Tùng và Tân Tả, nửa đầu có phần giống oan gia, nhưng khi bóc cái twist ra, nó là một trò lố không hơn không kém [tui rất muốn ném đá cái khúc đó, nhưng ném xong thì khỏi cần đọc truyện nữa, mà tui không nỡ để tui một mình dưới hố ngó lên bầu trời, ít ra cũng phải kiếm được vài đồng đội cùng tui ném cái khúc này chớ].
Nhìn chung, tổng thể Con đường đến bên em không phải là tác phẩm tệ. Nhưng đáng tiếc, cái mood của tui nó tuột dốc không phanh, càng đọc tui càng thấy nó nặng quá tầm kiến giải và sức chịu đựng của tui [được rồi, cứ thẳng thắn thừa nhận là tui là một thiên thần ngây thơ lớn lên trong hũ mật đi vậy]. Giải Tổng cũng có vài chỗ bug, mà đáng kể nhất chính là vai trò của người bố làm cảnh sát của Du Tùng. Với chức nghiệp của mình, tui vẫn không lý giải được vì sao lại đồng ý cho Du Tùng bỏ học năm cậu ấy 16 tuổi để đến một nơi xa như huyện Nghi tìm kiếm Tân Tả, tiếc là tác giả cũng không khai thác sâu về chi tiết này nên nó mãi là một câu hỏi lửng lơ trong tui.
Thôi, sau những cuộc tình ngược không bờ bến, tui kết luận, tui không phải là muỗi, tui không thể nhào vào những ụ máu chó nữa, tui là một con kiến ngoan đạo, tui trở về với hũ mật của tui đây, tui và hố ngược có thể viên mãn hát câu “chúng ta không thuộc về nhau ú ù u” mãi mãi. [Câu này có hiệu lực cho đến khi tui một lần nào đó trót dại tiếp theo nghen, đời quá nghiệt ngã mà tui đôi khi nhẹ dạ, ai biết chữ ngờ (u) đâu]
Cười duyên và cúi chào
Link đọc truyện